Hiện tại, CVVH Đầm Sen đang bảo tồn 3 con đười ươi Sumatra. Trong đó, chú đười ươi con được sinh ra ngay tại vườn thú Đầm Sen năm 2012. Hiện tại, chú phát triển tốt, rất thông minh, biết giao tiếp thân thiện với con người. Thậm chí, chú biết đi xa đạp và xe máy làm xiếc.
Đười ươi hay còn gọi là “dã nhân” hay “người rừng”, là một chi thuộc họ Người (vượn dạng người loại lớn), thuộc bộ Linh trưởng châu Á còn tồn tại.
Mục lục
HOT NEWS: Chú đười ươi con thứ hai chào đời ngày 30/4/2020
Một chú đười ươi Sumatra vừa chào đời tại CVVH Đầm Sen ngay trong buổi sáng ngày 30/4/2020. Hiện chú được mẹ chăm sóc và rất khỏe mạnh. Đây là đười ươi thứ 2 được hạ sinh thành công tại khu giải trí hàng đầu TP.HCM. Chú đười ươi đầu tiên chào đời vào năm 2012. Do lớn lên trong môi trường được chăm sóc chu đáo, nên chú Sumatra này rất thân thiện với người. Chú được dạy cách đạp xe, bắt tay. Đặc biệt, chú rất thích được ôm hôn du khách.
Đặc điểm đười ươi Sumatra
Đười ươi Sumatar có sải tay giang rộng đến 2 mét. Con đực trưởng thành (nặng 90 kg) khi đứng thẳng trên hai chân, có thể cao 1 mét rưỡi, mà tay vẫn chạm đất. Con cái nhỏ hơn (nặng 45kg), cao khoảng 90cm. Các đốt trên ngón tay và chân có thể uốn cong vào để cầm nắm, cho phép chúng đeo bám chắc chắn để đánh đu.
Khuôn mặt đười ươi Sumatra ốm và dài hơn đười ươi Borneo. Lông rậm và màu nâu đỏ. Riêng đười ươi đực có những hàng lông dày ở ngực, và những túm lông hai bên má. Tuổi thọ trung bình của đười ươi Sumatra là 60 năm (trong môi trường nuôi nhốt).
Đời sống
Tinh tinh Sumatra chỉ ăn hoa quả, côn trùng, đọt lá non. Tuy nhiên, loài dã nhân to lớn và khôn ngoan này chỉ ngồi một chỗ nào đó, chờ đợi hoa quả hiện ra trước mắt, và chỉ việc giơ tay ngắt lấy bỏ vào miệng. Còn nước thì chúng uống nước có sẵn trong các bọng cây. Tổ tiên chúng truyền lại kinh nghiệm quan sát thiên nhiên để biết mùa nào đi đâu sẽ có sẵn thức ăn.
Đười ươi sống trên những cây cổ thụ, chỉ làm tổ để ngủ. Tổ chúng có chiều dài khoảng 1,2 – 1,5 m, rộng chưa đến 1 m, dưới tán rừng, ở độ cao 10 –20 m. Để làm các tổ này, chúng mất chưa đầy 5 phút bằng cách vơ cành và lá cây cuốn quanh mình, nhưng khá chắc chắn.
Đười ươi Sumatra (cũng như các loài linh trưởng khác) đều sợ nước, vì lo ngại những loài sát thủ như cá sấu. Do đó việc chúng xuống sông tắm có thể được coi như một dấu hiệu của sự tiến. Chủ yếu chúng “tắm” bằng cách đầm mình trong bùn. Còn nếu muốn tắm sông, một số con sẽ treo mình lên những cành cây vươn ra để không bị ướt toàn thân.
Xã hội
Đười ươi cái cũng thông minh và rất có ý thức tự lập. Mỗi ngày chúng lại làm cho mình một chiếc “tổ” mới bằng cành và lá cây. Nghĩa là trong đời chúng đã cần cù xây đến 30.000 chiếc “tổ”.
Đười ươi Sumatra đeo con trên lưng khi con còn nhỏ. Chúng nuôi con ròng rã suốt 6-7 năm trời. Đó là loài nuôi con lâu nhất trên Trái đất. Những kẻ săn trộm thường bắt đười ươi khi mới vài tháng tuổi. Đười ươi mẹ không bao giờ chịu rời con nên thường bị giết chết. Vì thế khi sống trong môi trường nuôi nhốt, đười ươi con rơi vào cảnh cô lập.
Còn đười ươi đực sau chuyện cặp kè, thì mất hút, chẳng để ý gì con cái. Và bọn đười ươi đực vừa lớn lên cũng thế. Khi gặp cô bạn gái vừa mắt, chúng rời bỏ mẹ liền, trong khi đười ươi cái con ở lại với mẹ lâu hơn, dường như để học kỹ thuật làm mẹ sau này những bà mẹ chuyên nuôi con một mình.
Tuy nhiên, đười ươi đực cũng có tập tính khá thú vị là “chiến lược hoãn dậy thì”. Khi một đười ươi đực mới lớn, nó sẽ không đi tìm con cái ngay. Nó sẽ dành mọi sức lực để biến mình thành lực lưỡng, đô con, đủ sức để chiến đấu với những con lớn hơn. Sau khi đạt được mục đích này rồi chúng mới tính đến chuyện dậy thì, ve vãn bạn gái và phấn đấu lên làm thủ lĩnh.
Riêng loài Sumatra thì rèn luyện thể lực cho tới khi đánh bại được con đực thủ lĩnh mới thôi. Còn khi chưa có sức lực ngang ngửa với con khỏe nhất, thì các đám lông hai bên má của chúng cũng bị hoãn cả việc mọc ra. Đôi khi lâu hơn 10 năm. Không một loài linh trưởng nào khác kể cả đười ươi Borneo có tập tính này.
Tính cách
Đười ươi Sumatra được xem là một trong những loài động vật thông minh nhất, gần họ với người. Trong môi trường nuôi nhốt, đười ươi cũng có những hành vi khác lạ. Có những con học cách sử dụng máy tính bảng Ipad để nhận biết các bộ phận trên cơ thể và thức ăn, có con biết giận dữ nếu không được… “hút thuốc lá”.
Chúng thật sự muốn giao tiếp với con người, nhưng tiếc là không phát triển được dây thanh và thanh quản. Và khi bước vào giai đoạn “trung niên”, chúng cũng có hiện tượng khủng hoảng tâm lý, trong đó có cả “tự tử”.
Năm 1998, loài động vật này bị liệt vào danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng bởi nạn phá rừng lấy gỗ, cũng như khai thác dầu cọ làm mất môi trường sống của chúng.
Chuồng nuôi đười ươi Sumatra Đầm Sen đặt trong khu vực vườn chim ở khu B.