Nhằm đáp ứng nhu cầu dâng hương trong dịp giỗ tổ Hùng Vương, Đầm Sen sẽ ra mắt Quảng trường Vua Hùng vào ngày 14/4/2019.
Quảng trường Vua Hùng là một quần thể kiến trúc được đặt trong khuôn viên vườn hoa Nam tú Thượng uyển của Công viên văn hóa Đầm Sen. Tổng diện tích khuôn viên khu đền gần 1000m2. Bao gồm sân hành lễ được lát đá Granite với hoa văn mặt trời đặt ở chính giữa. Kế đến là khu vực thang rồng, tiết diện bề ngang là 4,5 mét, đáp ứng đoàn khách 5 hàng đi lên dâng hương cùng lúc. Trên cùng là khu vực dâng hương, được thiết kế 3 đền thờ. Chính giữa là chánh điện với tượng vua Hùng cao 1,7 mét, được làm bằng chất liệu composite phủ đồng, đặt trên bệ đá cao 0,8m.
Bức tượng vua Hùng tại Đầm Sen được Thạc sĩ – Điêu khắc gia Phạm Văn Út thực hiện. Tác giả đã xây dựng bố cục vua Hùng ngồi trên ngai, cách điệu từ hoa văn trống đồng. Mặt tượng nhìn thẳng thể hiện sự tôn nghiêm. Tay phải nắm chùm bông lúa, tay trái để tự nhiên trong tư thế ngồi trao đổi với các Lạc tướng, Lạc hầu. Các hoa văn trang trí trên bộ trang phục, được lấy cảm hứng từ đường nét của nền văn hóa Đông Sơn. Đặc biệt là hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ.
Theo điêu khắc gia Phạm Văn Út, đây là bức tượng thể hiện được một vị Anh hùng khai quốc, sinh dân. Đồng thời cũng là một minh chứng lịch sử giúp con cháu người Việt nhớ đến công lao dựng nước và giữ nước các vua Hùng. Thông qua đó vua Hùng nắm trên tay bông lúa, ý muốn đề cao một nền văn hóa lúa nước của dân tộc Việt, cho con cháu đời sau phải gìn giữ và tôn vinh.
Mẫu thiết kế tượng vua Hùng
Bên phải của chánh điện là đền thờ Hưng Đạo Vương, vị vua từng đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên–Mông (năm 1285 và năm 1288). Hưng Đạo Vương còn lưu truyền thế hệ sau bằng bài thơ “Hịch tướng sĩ”, nhằm khuyên các tướng học tập trận pháp theo sách Binh thư yếu lược, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Mông Nguyên-Đại Việt lần 2.
Bên trái chánh điện là đền thờ Hai Bà Trưng, hai nữ anh hùng dân tộc đầu tiên của đất nước đã phát cờ khởi nghĩa chống lại giặc Đông Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh và bà Trưng Trắc lên ngôi Nữ vương, vị vua nữ đầu tiên trong trong lịch sử Việt Nam, với tên gọi Trưng Nữ vương.
Cảnh quan của khuôn viên khu đền thờ vua Hùng tại Đầm Sen cũng được cải tạo với cây xanh bóng mát, để du khách có thể đến đây hành lễ. Được biết hàng năm, Đầm Sen đều tổ chức ngày giỗ Tổ cho hàng chục ngàn du khách đến đây dâng hương. Chỉ có bàn thờ tổ được dựng lên tạm thời, chưa có không gian thực sự cho việc hành lễ. Nhận thấy nhu cầu hướng về cội nguồn của người dân thành phố rất cao, Phuthotourist đã quyết định đầu tư xây dựng khu đền thờ vua Hùng cho du khách đến tưởng niệm.
Buổi diễu hành đường phố đặc biệt hướng tới kỷ niệm ngày giỗ tổ Hùng Vương, và
giới thiệu Quảng trường vua Hùng do CVVH Đầm Sen tổ chức vào chiều ngày 12/4/2019
Mục lục
Tổ chức lễ giỗ tổ Hùng Vương tại Đầm Sen
Đầm Sen sẽ phối hợp UBMTTQ Quận 11 tổ chức Lễ giổ tổ Hùng Vương chính thức vào 8 giờ sáng ngày 14/4/2019 (Nhằm mùng 10 tháng 3 ÂL), tại Quảng trường vua Hùng. Trong đó, có các nội dung:
- Biểu diễn võ thuật Nam Huỳnh Đạo;
- Nghi thức dâng đăng;
- Nghi thức đọc chúc văn;
- Tế võ (do đội Võ cổ truyền Thành Phố thực hiện);
- Dâng hương của lãnh đạo;
- Dâng hương đại trà.
Ngoài ra, Đầm Sen còn phối hợp các cơ quan ban ngành để tổ chức các hoạt động như:
1. Hội thi gói và nấu bánh chưng “Hướng Về Đất Tổ”
Phối hợp với UBMTTQ Quận 11 tổ chức vào ngày 13/4/2019. Dự kiến sẽ có 70 đội tham gia nấu bánh trưng năm nay. Toàn bộ số lượng bánh sẽ được trưng bày và dâng cúng vào 8 giờ sáng ngày 14/4/2019. Đầm Sen sẽ dùng 3.000 bánh chưng từ hội thi để tặng lộc lại cho khách tham dự lễ Giỗ.
2. Hội thi làm bánh dân gian 3 miền “Hướng về đất Tổ”
Phối hợp với Công đoàn Sở giáo dục & đào tạo TP.HCM tổ chức vào lúc 8h00 ngày 14/4/2019 (nhằm mùng 10/3 AL). Đây là hội thi dành cho học sinh cấp 1, 2, 3 của thành phố (dự kiến 60 đội).
3. Tọa đàm Liên hoan các dòng họ TP.HCM 2019”
Phối hợp với Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức lúc 10h00 ngày 14,15/4/2019. Địa điểm tại sảnh Thanh Sen nhà hàng Thủy Tạ Đầm Sen. Nội dung xoay quanh truyền thống thờ cúng tổ tiên, các dòng họ. Và các đề tài khác liên quan đến văn hóa lịch sử dòng họ.
4. Các hoạt động vui chơi
- Biểu diễn cờ người (do nhóm biểu diễn Cờ Người Thành Phố thực hiện);
- Biểu diễn các bài võ nhạc Vovinam – Taekwondo – Võ cổ truyền;
- Đi cà kheo dân gian;
- Biểu diễn Masup;
- Tái hiện nhân vật Mỵ Nương, Sơn Tinh, Thủy Tinh… để chụp hình và giao lưu với du khách trong ngày giỗ quốc tổ.
Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ban đầu, lễ hội chính diễn ra vào 10/3 âm lịch tại Đền Hùng, (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Sau đó, các tỉnh thành khác cũng đã xây dựng các khu tưởng niệm. Năm 2007, Quốc hội chọn ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày Quốc giỗ. Và “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng” đã được UNESCO công nhận là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đại diện của nhân loại”.